Đi tìm lại giọng nói của chính mình

Bạn đã từng bắt gặp trường hợp nghe tiếng nói chuyện phía sau thì cho rằng là một nhóm ba bạn nữ với một bạn nam nhưng khi nhìn thấy họ thì lại là hai bạn nam với hai bạn nữ nhưng đừng hiểu lầm bạn ấy là một men nhé. Khi bị những người xung quanh nhìn mình khiến bạn ấy cảm thấy tự ti vì chất giọng của mình.

Không có được giọng nói trầm, khàn đặc trưng của phái mạnh là nỗi khổ của không ít nam giới. Tìm lại giọng nói đàn ông giúp họ tự tin, bản lĩnh hơn trong cuộc sống.

Thời gian gần đây, chỉ riêng Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM đã tiếp nhận mỗi tháng hơn 10 trường hợp nam giới mắc chứng rối loạn giọng nói. Chứng rối loạn giọng nói chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân của chứng bệnh này song nó không khó để điều trị.

roi-loan-giong-noi

Không phải ai cũng có thể tâm sự về điều này, nỗi mặc cảm, tự ti thậm chí không dám yêu đương, nỗi sợ về hiểu lầm giới tính:

“Tôi ước mình có giọng nói bình thường như những người đàn ông khác chứ không phải giọng nói “nửa nam, nửa nữ” như hiện tại”. Đó là tâm sự của anh T.P.V khi tìm đến luyện giọng tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM. Thời đi học, anh T.P.V cứ nghĩ rằng qua giai đoạn dậy thì, giọng nói của mình sẽ bình thường trở lại. Thế nhưng, anh mang tâm lý mặc cảm, tự ti khi ra trường, đi làm, anh vẫn có một giọng nói không bình thường như những người đàn ông khác. Nhiều khi, vừa mở miệng, nhiều người xung quanh đã cười ồ lên, thậm chí là chế giễu anh. Anh dần thu mình, hiếm khi thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân ở cơ quan, tập thể. Tâm lý của anh T.P.V cũng là tâm lý của một số nam giới khi họ chẳng may mắn sở hữu một giọng nói mà dân gian vẫn gọi nôm na là “giọng mái”. Dẫu đã qua cái tuổi dậy thì từ lâu nhưng P.V.H vẫn đau đáu một nỗi không biết tỏ cùng ai khi anh giữ một chất giọng mà bạn bè hay trêu đùa là giọng eo éo, ái nam ái nữ. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng anh có vấn đề về giới tính. Tìm đến luyện giọng tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, anh bắt đầu nhóm lên một niềm hy vọng sẽ tìm được giọng nói “đích thực” của mình.

Trường hợp khác được ghi nhận là anh T.H.K (30 tuổi, ngụ tỉnh An Giang). Nhìn bề ngoài, K. vạm vỡ, rất “đàn ông” nhưng ít ai biết gần 20 năm qua, anh luôn sống trong mặc cảm do chính giọng nói không phản ánh đúng giới tính của mình. Không thấy mặt mà chỉ nghe giọng nói của K. thôi, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ đó là một cô gái. Với lỗi tạo hóa đó, quãng đời thanh niên của anh đã trôi qua trong sự chịu đựng, khép kín.

Quá trình điều trị đối với chứng rối loạn giọng nói:

Ngày đầu tiên trong hành trình đi tìm lại giọng nói đàn ông của chính mình, bệnh nhân sẽ được khám mũi, họng, nội soi thanh quản. Tùy theo mong muốn của bệnh nhân mà bác sĩ, điều dưỡng sẽ có một chương trình trị liệu thích hợp để bệnh nhân mau chóng có được chất giọng mà họ thầm muốn.

“Nhiều bệnh nhân cứ ngỡ đây là vấn đề rất phức tạp nhưng thực tế lại có thể được điều trị một cách đơn giản. Bệnh nhân thường chỉ mất 1-5 buổi (nhiều trường hợp chỉ cần 1-2 buổi) điều trị bằng âm ngữ trị liệu là thành công. Chi phí cho quá trình luyện tập này không quá tốn kém về thời gian lẫn tiền bạc. Mỗi tuần, bệnh nhân đến bệnh viện tập khoảng 30-45 phút, sau đó bệnh nhân tự tập ở nhà hai lần mỗi ngày, mỗi lần 15 phút – 30 phút”, bác sĩ Trần Thị Thu Trang, Đơn vị Thanh học, Khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết.

Theo BS Trang, khi bệnh nhân nói giọng nữ đến khám sẽ được đưa đến chuyên viên luyện giọng, sau khi lượng giá giọng nói của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ cho luyện từ tư thế ngồi đến cách hít thở. BS Trang nói: “Tư thế ngồi cũng cần phải luyện tập để có dáng như đàn ông. Ví dụ ngồi bắt tréo chân thì cổ chân này gác lên đầu gối khác chứ không phải đầu gối chạm đầu gối như phụ nữ. Quan trọng nhất là tập thở phà phát âm bởi hơi thở là năng lượng cho bộ máy nói hoạt động. Chúng tôi thường nói với bệnh nhân rằng “hơi thở là xăng, nước là nhớt” nếu thiếu hai thứ đó thì bộ máy nói sẽ không hoạt động được. Vì vậy, tập thở bụng là điều quan trọng. Sau đó bác sĩ sẽ dạy cách phát âm những âm trầm để bệnh nhân có thể học theo”.

Theo các chuyên gia, hơn 90% trường hợp sau điều trị đã tìm lại được giọng nói đích thực.